TÀI LIỆU TRUYỀN THÔNG VỀ GLOCOM

Thứ năm - 11/03/2021 09:50
ẢNH MINH HỌA
ẢNH MINH HỌA
        Glôcôm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù loà ở nước ta cũng như trên thế giới, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến mù loà vĩnh viễn. Tuổi càng cao tỷ lệ bị Glôcôm càng lớn, bệnh thường gặp ở những người từ 35 tuổi trở lên, thường xảy ra trên những cơ địa dễ xúc cảm, tỷ lệ gặp ở nữ cao hơn nam.

        Triệu chứng của Glôcôm Cơn cấp: 
        Đột nhiên bệnh nhân thấy đau nhức mắt, nhức xung quanh hố mắt, nhức lan lên nửa đầu cùng bên. Kèm theo bệnh nhân nhìn thấy mờ nhiều, nhìn đèn có quầng xanh đỏ. Đôi khi bệnh nhân thấy sợ ánh sáng, chảy nước mắt nhưng không tiết rử mắt. Khám mắt thấy mi mắt sưng nề, mắt đỏ theo kiểu cương tụ rìa, giác mạc phù nề mờ đục có bọng biểu mô, tiền phòng nông, đồng tử dãn méo mó mất phản xạ với ánh sáng, thể thuỷ tinh phù nề đục màu xanh lơ có thể có các vết rạn bao trước, dịch kính phù nề. Đáy mắt trong cơn cấp diễn khó soi được do phù nề các môi trường trong suốt, những trường hợp soi được đáy mắt thấy gai thị hồng có thể có xuất huyết quanh gai. Nhãn áp tăng cao trên 30mmHg có thể trên 60 mmHg, nếu sờ tay có thể thấy nhãn cầu căng cứng như hòn bi

        Triệu chứng của Glôcôm cơn bán cấp: 
         
Bệnh xuất hiện từng đợt. Bệnh nhân bị đau tức mắt từng cơn, cảm giác căng tức trên cung lông mày, hoặc có cảm giác nhức âm ỉ vùng hố mắt. Kèm theo nhìn mờ như qua màng sương, nhìn đèn có quầng xanh đỏ, các cơn kéo dài vài giờ sau đó mắt trở lại bình thường hoặc gần như trước đó. Các cơn đau nhức tăng dần về tần xuất và cường độ, thị lực giảm dần. Khám mắt triệu chứng gần giống cơn cấp diễn nhưng mức độ nhẹ hơn: Mắt không đỏ hoặc ít đỏ, nhãn áp tăng vừa trong cơn, thị trường có tổn hại theo kiểu Glôcôm, đáy mắt có lõm đĩa thị.

          Triệu chứng của Glôcôm thể mãn tính (thể không điển hình): 
          Bệnh thể hiện thầm lặng, không đặc hiệu, bệnh nhân không có đau nhức mắt, chỉ có dấu hiệu nhìn mờ dần. Đôi khi bệnh nhân phát hiện được do tình cờ bịt một mắt thấy mắt kia không nhìn thấy gì. Khám mắt mi và kết mạc bình thường, giác mạc trong, tiền phòng nông, đồng tử kích thước hình dạng bình thường, phản xạ đồng tử có thể mất (nếu mắt mất chức năng), đáy mắt có lõm teo gai thị, nhãn áp từ 25mmHg trở lên, thị trường thu hẹp.
 
           Điều trị  bệnh Glôcôm: 
           
Với bệnh Glôcôm góc đóng thì điều trị phẫu thuật được chỉ định cho mọi giai đoạn bệnh, điều trị nội khoa chỉ được chỉ định tạm thời trong những trường hợp cấp cứu cũng như  trong thời gian chờ đợi phẫu thuật hoặc những trường hợp bệnh nhân có tình trạng bệnh toàn thân nặng không có khả năng điều trị phẫu thuật. Với Glôcôm góc mở thì điều trị nhằm mục đích làm hạ nhãn áp, không làm tổn thương thêm thị trường và trạng thái đĩa thị, điều trị bằng thuốc tra tại mắt hoặc bằng laser, phẫu thuật được chỉ định khi điều trị nội khoa hoặc laser không kết quả hoặc trên những trường hợp không có điều kiện về kinh tế, sức khoẻ, theo dõi định kỳ.
            Glôcôm nếu không được điều trị, nhãn áp tiếp tục tăng cao kéo dài sẽ dẫn đến mù, tiên lượng bệnh tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh, giai đoạn bệnh. Nếu không được điều trị, tổn thương đĩa thị và thị trường ngày càng nặng hơn dẫn đến mù không có khả năng hồi phục. Nếu được phát hiện sớm, được điều trị sớm, điều trị đúng và theo dõi thường xuyên thì bệnh nhân có thể tránh được mù loà.
            Phòng bệnh Glôcôm: 
            Bệnh Glôcôm có tính chất gia đình và tự phát, vì vậy phòng bệnh Glôcôm nguyên phát là rất khó thực hiện. Nhằm giảm bớt tỷ lệ mù loà do bệnh Glôcôm cần thiết phải được khám phát hiện sớm với những đối tượng sau: Những người ruột thịt của bệnh nhân Glôcôm nguyên phát nhất là những người trên 35 tuổi; Những người có mắt với cấu trúc giải phẫu thuận lợi cho bệnh glôcôm; Những người có triệu chứng nghi ngờ glôcôm như: Đau nhức mắt nhìn mờ nhìn đèn có quầng xanh đỏ, nhãn áp từ 22mmHg đến 24 mmHg, đáy mắt có lõm gai rộng hơn 3/10 nhất là những trường hợp lõm gai thị  ở 2 mắt không cân xứng. Phương pháp phát hiện sớm Glôcôm là theo dõi nhãn áp (Phương pháp này chỉ được thực hiện tại các cơ sở nhãn khoa, hoặc bởi các kỹ thuật viên hoặc y tá có trình độ đo nhãn áp chuẩn xác); Đo nhãn áp cho những nhóm đối tượng này từ  2 đến 6 lần trong 1 ngày, theo dõi liên tục trong 3 ngày liền; Phát hiện sớm bằng các loại thử  nghiệm (Phương pháp này được thực hiện tại các cơ sở nhãn khoa, việc chỉ định loại thử nghiệm được bác sĩ đưa ra khi đã thăm khám kỹ bệnh nhân).
            Để phòng tránh bệnh glôcôm tại cộng đồng, chúng ta cần chú ý những điều sau:
          - Mọi người không được lạm dụng thuốc có chứa corticoid nhất là những thuốc tra tại mắt vì có thể dẫn đến mù loà do bị glôcôm, đục thể thuỷ tinh, loét giác mạc. Nếu  phải điều trị corticoid toàn thân trong một số bệnh lý khác cần phải được theo dõi chặt chẽ nhãn áp để phát hiện kịp thời những biến chứng do thuốc gây ra.
          - Những người bị mắc bệnh đái đường, bệnh cao huyết áp cần thiết được điều trị đúng để đường huyết, hoặc huyết áp ổn định ở mức bình thường, mặt khác phải được kiểm tra đáy mắt định kỳ nhằm phát hiện tình trạng  võng mạc thiếu máu do những bệnh này gây ra để điều trị laser dự phòng glôcôm tân mạch.
          - Những người được chẩn đoán bị đục thể thuỷ tinh cần theo dõi và mổ đúng thời điểm để tránh những biến chứng do đục thể thuỷ tinh giai đoạn cuối gây ra.
          - Hướng dẫn cho người dân biết cách sơ cứu bỏng hoá chất, chấn thương. Điều trị đúng, tích cực những trường hợp bỏng hoặc chấn thương tránh biến chứng dính mống mắt
          - Cần thiết phát hiện được những bệnh lý tại mắt và chuyển đi tuyến trên kịp thời.

Theo TT ĐT&CĐT 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay504
  • Tháng hiện tại11,567
  • Tổng lượt truy cập3,300,645
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây