Với một chủ đề khá đặc thù, đi vào lĩnh vực ngách là ứng dụng Công nghệ thông tin trong quản lý y tế, buổi tư vấn trực tuyến diễn ra từ 9h30 sáng ngày 06/09/2018 trên VnExpress vẫn thu hút khá nhiều câu hỏi của độc giả. Trong số ba vị khách mời, ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) nhận được nhiều câu hỏi, bên cạnh bà Trần Thị Nhị Hà (Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội) và ông Lê Hồng Hải, trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ, Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng (Hà Nội).
Nhiều câu hỏi của độc giả quan tâm đến vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế đã giúp ích như thế nào cho họ trong việc khám chữa bệnh.
Hồ sơ điện tử cũng là chủ đề nóng, có người muốn biết khi nào họ có thể đi khám mà không cần mang theo hồ sơ bệnh lý. Trả lời về vấn đề này, Cục trưởng Trần Quý Tường cho biết viễn cảnh đó đã đến rất gần.
- Thưa ông Trần Quý Tường, ông có thể cho biết việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế hiện nay đã đạt được những thành tựu cụ thể ra sao? (Hồng Hạnh, 37 tuổi, quận 1, TP HCM)
- Ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế):
Trong thời gian qua với sự quan tâm, chỉ đạo và đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ Y tế, sự cố gắng của toàn ngành y tế, sự hợp tác, giúp đỡ trong nước và quốc tế, việc ứng dụng CNTT trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có những bước phát triển quan trọng, đặt nền móng cho sự phát triển y tế điện tử trong thời gian tới, người dân bước đầu được hưởng lợi từ việc ứng dụng CNTT. Một số kết quả đạt được như xây dựng cơ chế, chính sách và ban bành văn bản quản lý nhà nước, triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện.
Đến nay, gần như tất cả các bệnh viện đều triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý bệnh viện ở các mức độ khác nhau. Bước đầu ứng dụng Y tế từ xa (Telemedicine) nhằm hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới.
Ngoài ra, triển khai Đề án thí điểm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) tại bệnh viện với mục tiêu thí điểm ứng dụng hệ thống PACS trong quản lý và xử lý hình ảnh, đọc kết quả, trả kết quả chẩn đoán hình ảnh không sử dụng phim, trên cơ sở đó Bộ Y tế đánh giá chi phí hiệu quả để có thể áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Về Ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, đến nay, 99,5% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Trí tuệ nhân tạo cũng được ứng dụng như một số bệnh viện đã thí điểm đưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ điều trị ung thư như Bệnh viện Đa khoa tình Phú Thọ đã triển khai và kết quả bước đầu rất tốt.
Ngoài ra, cơ quan Bộ Y tế đã đẩy mạnh các ứng dụng CNTT trong công tác văn thư, hành chính tại cơ quan. từ cổng thông tin điện tử, hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản điện tử và điều hành, ứng dụng chữ ký số.
- Nếu bệnh viện quản lý hồ sơ khám chữa bệnh điện tử, thông tin của người bệnh như tôi được bảo mật như thế nào? Liệu mọi bác sĩ trong bệnh viện có thể xem hồ sơ bệnh án của tôi không? (Mai Anh, 24 tuổi, Tuyên Quang)
- Ông Trần Quý Tường:
Việc quản lý hồ sơ khám chữa bệnh điện tử, vấn đề thông tin của người bệnh được bảo mật theo đúng quy định của pháp luật. Đây là một nội dung quan trọng, là yêu cầu kỹ thuật bắt buộc các phần mềm phải đáp ứng.
Theo quy định của luật khám, chữa bệnh, thông tin người bệnh được bảo vệ lưu trữ theo các cấp độ mật của nhà nước. Khoản 4 điều 59, luật khám bệnh, chữa bệnh quy định những đối tượng được tiếp cận hồ sơ bệnh án và thông tin của người bệnh gồm các trường hợp sau:
- Sinh viên thực tập, nghiên cứu viên, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được mượn hồ sơ tại chỗ đọc hoặc sao chép, phục vụ cho công tác chuyên môn.
- Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về y tế trực tiếp quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, thanh tra chuyên ngành y tế, cơ quan bảo hiểm y tế, cơ quan giám định pháp y tâm thần, luật sư được mượn hồ sơ bệnh án tại chỗ để đọc hoặc sao chép phục vụ nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền.
- Người bệnh hoặc đại diện người bệnh được nhận bản tóm tắt hồ sơ bệnh án theo quy định tại điều 11 của luật khám bệnh, chữa bệnh
Vì vậy, chúng tôi khẳng định, bệnh án điện tử cũng phải được bảo mật thông tin của người bệnh theo đúng các quy định trên.
- Các bệnh viện có nghĩ đến phương án sẽ để người dân đăng ký khám bệnh online để tránh việc đến sớm chờ xếp hàng vất vả, hoặc quá tải số lượng bệnh nhân? (Thành, 35 tuổi, Thanh Hóa)
- Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội:
Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các bệnh viện trong ngành xây dựng các phương án áp dụng công nghệ thông tin tại các khoa phòng chuyên môn, đặc biệt là việc đăng ký khám bệnh chữa bệnh trực tuyến, lựa chọn bác sĩ để chủ động thời gian tới khám bệnh cũng như giảm thời gian chờ đợi tại bệnh viện. Điều này cũng góp phần giảm hiện tượng quá tải tại các bệnh viện ở Hà Nội.
Ngoài ra, tại các bệnh viện cũng áp dụng các phần mềm quản lý như: phần mềm quản lý bệnh nhân HIS, phần mềm quản lý xét nghiệm LIS, phần mềm quản lý chẩn đoán hình ảnh RIS và PAC.
Khi áp dụng những phần mềm này đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho người dân để quản lý hồ sơ bệnh án, quản lý kết quả xét nghiệm, kết quản chẩn đoán hình ảnh. Trên cơ sở đó sẽ xây dựng mô hình bệnh viện thông minh và hồ sơ bệnh án điện tử.
- Con gái tôi nay 15 tháng, mỗi lần đưa bé đi tiêm phòng tại trạm y tế phường, tôi đều phải xuất trình sổ theo dõi tiêm chủng theo, nếu quên thì buộc phải về nhà lấy. Xin hỏi, việc ứng dụng quản lý sổ theo dõi tiêm chủng cho bé tại địa bàn Hà Nội đã đến đâu? Trong trường hợp không may mất sổ, tôi phải làm gì? (Phương Anh, 30 tuổi, Long Biên, Hà Nội)
- Ông Lê Hồng Hải - Trưởng phòng Kế Hoạch Nghiệp Vụ Trung Tâm Y Tế - Huyện Đan Phượng - Thành phố Hà Nội.
Theo đúng quyết định 1731/2014/QĐ - BYT ngày 16/5/2014 về việc tổ chức buổi tiêm chủng, mục số 4 quy định: Nhắc cha mẹ trẻ, người được tiêm chủng giữ phiếu/sổ tiêm chủng cẩn thận và luôn mang theo khi tới cở sở y tế hoặc bệnh viện.
- Việc thực hiện Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia mặc dù đã bắt đầu triển khai tại 584 xã, phường từ 1/1/2017 nhưng Hệ thống vẫn còn nhiều hạn chế, hiện nay vẫn đang tiếp tục hoàn thiện, việc bổ sung lịch sử tiêm chủng cho trẻ đã và đang được tiến hành nhưng chưa được đồng bộ tại tất cả các tuyến đặc biệt tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Vì vậy, việc tiêm chủng là rất cần thiết để đối chiếu lịch sử tiêm chủng của trẻ, đảm bảo an toàn, tránh sai sót và sự cố đáng tiếc trong quá trình thực hành tiêm chủng. Trong trường hợp mất sổ tiêm chủng, gia đình nên quay lại cơ sở tiêm chủng đã tiêm chủng đã tiêm cho trẻ để lấy lại lịch sử tiêm chủng và để được tư vấn về các mũi tiêm tiếp theo.
- Hồ sơ của người bệnh như bệnh án, thông tin, phác đồ điều trị... có được liên kết giữa các bệnh viện để tạo thuận lợi cho người bệnh đến bất kỳ cơ sở nào để khám không? (Chí Thiện, 19 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội)
- Ông Trần Quý Tường:
Hiện nay, hồ sơ của người bệnh giữa các bệnh viện chưa được liên kết với nhau.
Tuy nhiên, việc trao đổi chia sẻ liên kết dữ liệu thông tin giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là rất quan trọng trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Vì vậy, Cục công nghệ thông tin đang xây dựng các cơ sở pháp lý cho việc liên kết này. Đồng thời, Cục cũng đang xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật (chuẩn tập tin XML) để làm giao thức kết nối giữa các phần mềm bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, phần mềm quản lý trạm y tế xã phường và các phần mềm ứng dụng ở các bệnh viện với nhau. Tất nhiên, việc chia sẻ liên kết này vẫn phải đảm bảo nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin của người bệnh, cơ sở khám bệnh và bệnh viện.
- Các phần mềm ứng dụng thường có bản cập nhật mới sau thời gian sử dụng, nếu vậy, kết quả khám chữa của bệnh nhân có bị thay đổi không, và mất bao lâu để có thể hoàn thiện một lần cập nhật? (Đức Hoa, 20 tuổi, Thái Thụy, Thái Bình)
- Ông Trần Quý Tường:
Đúng như bạn nói, các phần mềm tin học thường được cập nhật, nâng cấp sau một thời gian sử dụng, kể cả các phần mềm hiện đại nhất hiện nay trên thế giới cũng phải thực hiện điều này. Các nhà kỹ thuật đã lường trước vấn đề này. Vì vậy, thông tin dữ liệu của người bệnh không bị thay đổi sau khi cập nhật, nâng cấp phiên bản phần mềm mới, do đã được lưu trữ trên hệ thống cơ sở dữ liệu của bệnh viện.
Tất nhiên, trong quá trình nâng cấp phần mềm cũng mất một số thời gian ảnh hưởng đến việc vận hành của phần mềm, cho nên, việc cập nhật, nâng cấp phần mềm thường được thực hiện vào ban đêm hoặc ngày nghỉ để tránh ảnh hưởng đến hoạt động thường quy của bệnh viện.
- Sở Y tế Hà Nội có những chỉ đạo cụ thể như thế nào với các bệnh viện trong việc ứng dụng công nghệ thông minh trong tạo lập hồ sơ bệnh án điện tử cho người dân? (Thường, 45 tuổi, Sơn Tây)
- Bà Trần Thị Nhị Hà:
Ngành Y tế Hà Nội đã triển khai tới các đơn vị thực hiện nghiêm túc các mềm y tế do Bộ Y tế triển khai như phần mềm thanh toán bảo hiểm y tế, phầm mềm quản lý tiêm chủng, phần mềm quản lý điều trị metanol, phần mềm dịch tễ.
Ngành Y tế tổ chức triển khai một số phần mềm để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn, như phầm mềm quản lý sức khỏe, phần mềm sàng lọc ung thư đại trực tràng, phần mềm Ereport. Hiện nay đang triển khai các phần mềm quản lý bệnh viện và phần mềm đánh giá sự hài lòng của người bệnh.
Phần mềm đánh giá sự hài lòng của người bệnh là một phần mềm ngành y tế cho rằng hết sức quan trọng, bên cạnh những phần mềm về mặt chuyên môn. Chất lượng khám bệnh chữa bệnh tại các bệnh viện phải được đánh giá một cách minh bạch và khách quan do người dân đánh giá. Thông qua đó để đánh giá chất lượng của cơ sở khám bệnh chữa bệnh.
- Việc sử dụng công nghệ thông tin trong chăm sóc sức khỏe liệu có cho ra kết quả chính xác không vì máy móc cũng có lúc sai? (Minh Khang, 30 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
- Bà Trần Thị Nhị Hà:
Những trang thiết bị y tế được sử dụng trong các cơ sở khám bệnh chữa bệnh phải được tuân thủ theo chế độ bảo hành bảo trì bảo dưỡng, kiểm chuẩn kiểm định và đảm bảo chất lượng khi đưa ra phục vụ người dân. Trong quá trình sử dụng công nghệ thông tin cũng như xây dựng những quy trình để người sử dụng phải đảm bảo chính xác những dữ liệu được nhập liệu và từ đó những thông tin người bệnh phải đảm bảo chính xác khi đưa vào hệ thống máy tính.
Với phần mềm quản lý sức khỏe toàn dân, ngành Y tế Hà Nội cũng đã đặt hàng với công ty phần mềm để có thể gửi những thông tin cơ bản về sức khỏe của người dân qua hệ thống tin nhắn điện thoại và người dân hoàn toàn có thể kiểm tra lại những thông tin này và phản hồi lại nếu trong trường hợp có vấn đề nhầm lẫn thông tin sức khỏe.
- Thưa ông Trần Quý Tường, khi nào thì bệnh nhân đi khám bệnh tại một bệnh viện mà không cần mang theo hồ sơ bệnh lý (bệnh viện đã cập nhật hết thông tin bệnh án của bệnh nhân trên máy tính)? (Nam Anh, 32 tuổi, Nam Định).
- Ông Trần Quý Tường:
Đây là câu hỏi rất hay. Để giải quyết vấn đề này, ngành y tế cần phải giải quyết đồng bộ nhiều nội dung, trong đó quan trọng nhất là xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử.
Đối với người dân, hồ sơ sức khỏe điện tử giúp mỗi người biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời. Từ đó, chủ động phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe của bản thân. Khi đi khám bệnh, thông qua hồ sơ sức khỏe, người bệnh cung cấp cho thầy thuốc về tiền sử bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị.
Cục Công nghệ thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế giao là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử. Tháng 6/2018, chúng tôi đã khởi động xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử và lộ trình triển khai được xác định như sau:
Từ tháng 1/2019 đến tháng 6/2019: triển khai và hoàn thiện phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử cho 8 tỉnh, thành phố trong mô hình điểm.
Từ tháng 7/2019 tổ chức triển khai nhân rộng trên toàn quốc. Đến năm 2020, tôi nghĩ mỗi chúng ta sẽ có hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân. Khi người dân đến cơ sở y tế, người thầy thuốc ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Việt Nam, chỉ cần một click chuột sẽ hiện ra đầy đủ thông tin về hiện trạng sức khỏe của người đó. Việc này giúp ích rất nhiều cho chẩn đoán và điều trị!
- Tôi được biết Đan Phượng là một huyện ngoại thành Hà Nội. Vậy lãnh đạo đơn vị cho biết những thay đổi cơ bản trong việc chăm sóc sức khỏe người dân địa phương sau khi các vị ứng dụng công nghệ thông tin? (Thanh Hiếu, 40 tuổi, Phủ Lý, Hà Nam).
- Ông Lê Hồng Hải:
Để đáp ứng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn, lãnh đạo TTYT đã triển khai áp dụng phần mềm HIST trong khám chữa bệnh. Khi người bệnh tới khám lần đầu tiên, sẽ có hồ sơ lưu lại trên hệ thống. Khi tái khám, bệnh nhân chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, cơ sở khám chữa bệnh và bác sĩ sẽ nắm được tiền sử khám và chữa bệnh. Giảm thiểu về thủ tục, thời gian cho người bệnh và bác sĩ điều trị. Đem lại sự hài lòng cho người bệnh, giảm thời gian chờ đợi, công khai minh bạch.
Ngoài ra, về ứng dụng CNTT trong quản lý: Y tế cơ sở, cơ sở dữ liệu được quản lý tập trung. Quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, quản lý tiêm chủng, quản lý đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, nhân sự, tài chính kế toán, tổng hợp các báo cáo. Những ứng dụng này giúp cơ sở y tế tối giản nguồn lực, tiết kiệm thời gian và chi phí.
- Người bệnh sẽ được lợi ích gì ngoài tiết kiệm thời gian khi sử dụng điện tử vào quản lý sức khỏe? (Ngọc Nga, 20 tuổi, Vụ Bản, Nam Định)
- Bà Trần Thị Nhị Hà:
Ngoài tiết kiệm thời gian, khi sử dụng điện tử vào quản lý sức khỏe, người bệnh sẽ được một số lợi ích như được quản lý theo dõi sức khỏe trong một khoảng thời gian. Người bệnh sẽ được minh bạch hóa các thông tin sức khỏe, bảo mật các thông này. Nếu áp dụng CNTT tốt, người bệnh sẽ không phải lưu giữ nhiều giấy tờ quản lý sức khỏe, tạo thuận lợi trong quá trình tra cứu các tiền sử bệnh tật.
Ngoài ra, nếu thực hiện Telemedicine - khám chữa bệnh từ xa, người bệnh có thể được chẩn đoán, theo dõi bệnh từ xa mà không cần phải đến bệnh viện và cũng phát hiện kịp thời những tình trạng bệnh phải cấp cứu và được điều trị sớm.
- Thưa Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), bao giờ tất cả các bệnh viện trên cả nước sẽ ứng dụng CNTT trong quản lý sức khỏe để giúp người bệnh đỡ vất vả? (Thanh An, 22 tuổi, Quy Nhơn)
- Ông Trần Quý Tường:
Hiện nay, hầu hết các bệnh viện trong cả nước gồm cả bệnh viện tư nhân và công lập, kể cả các trạm y tế xã đều đã ứng dụng công nghệ thông tin ở các mức độ khác nhau. Trong đó, 99,5% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã kết nối liên thông dữ liệu với cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam để phục vụ giám định bảo hiểm y tế.
Tất nhiên, như trên đã nói, để mỗi người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử thì Bộ Y tế giao đang xây dựng phần mềm này, phấn đấu đến tháng 7/2019, sẽ triển khai toàn quốc.
- Hiện nay, các nhà sáng khoa học tạo ra rất nhiều phần mềm để quản lý sức khỏe người dùng, ông bà có thể gợi ý một số phần mềm hữu ích để mỗi người dân có thể theo dõi sức khỏe bản thân một cách dễ dàng? (Hồng Lương, 32 tuổi, Việt Trì, Phú Thọ)
- Ông Trần Quý Tường:
Tôi xin kể một số ứng dụng phần mềm quản lý sức khỏe mà mọi người có thể tìm kiếm ngay trên mạng:
- Ứng dụng "Tim khỏe" trên điện thoại thông minh với nhiều tính năng thông minh giúp người dùng có thể theo dõi sức khoẻ, nhận tư vấn bệnh, bổ sung kiến thức bệnh tim mạch ngay tại nhà mà không cần phải đi đâu xa.
- Ứng dụng "Strava" là một trong những nền tảng hỗ trợ tập luyện như chạy bộ, bơi lôi và đạp xe, lướt sóng, trượt tuyết và nhiều bộ môn thể dục thể thao khác. Bên cạnh việc hỗ trợ 2 nền tảng Android và iPhone, Strava còn tương thích với các thiết bị đo nhịp tim, footpod, đồng hồ GPS...
- Ứng dụng "Human Activity Tracker" (gọi tắt là Human) có một chế độ gọi là "Daily 30" giúp thúc đẩy người dùng di chuyển 30 phút mỗi ngày cùng các tính năng theo dõi sức khỏe thông thường như đi bộ, chạy và đạp xe theo định vị GPS.
- Ứng dụng "Endomondo" có khả năng theo dõi hơn 40 môn thể thao như chạy, đi bộ, đi xe đạp... với các số liệu chính như thời gian, tốc độ, khoảng cách và số calo đã mất.
Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử để bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe duy nhất và thống nhất lưu trữ trong hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia. Hồ sơ sức khỏe điện tử cung cấp cho thầy thuốc các thông tin về tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó kết hợp với thăm khám hiện tại để nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn. Hơn nữa, thông tin sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn.
- Xin hỏi kết quả xét nghiệm, hình ảnh được số hóa là như thế nào? (Minh Tuệ, 25 tuổi, Hà Nội)
- Ông Trần Quý Tường:
Từ trước đến nay, kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh được trả cho người bệnh dưới dạng giấy hoặc phim ảnh. Hiện nay, nhờ áp dụng công nghệ, những kết quả xét nghiệm, hình ảnh được số hóa và trả tự động vào hệ thống thông tin mà không cần in ra giấy, không cần rửa phim. Các bác sĩ có thể xem trực tiếp kết quả xét nghiệm, hình ảnh trên máy tính. Đồng thời, người bệnh có thể nhận được kết quả này thông qua hòm thư điện tử.
- Hiện những bệnh viên nào áp dụng công nghệ thông minh vào thăm khám chữa bệnh? Cụ thể như thế nào, ông có thể chia sẻ rõ hơn không? (Trang Hạ, 35 tuổi, Hà Nội)
- Ông Trần Quý Tường:
Hiện nay, phần lớn các bệnh viện có phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện đều ứng dụng công nghệ thông minh ở các mức độ khác nhau. Ví dụ ứng dụng công nghệ thông minh trong cảnh báo tương tác thuốc, một số bệnh viện ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ hướng dẫn điều trị ung thư như bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh viện K. Một số bệnh viện đã sử dụng rô bốt phẫu thuật như bệnh viện Nhi Trung ương, Vinmec...
- Thưa lãnh đạo, dự định sắp tới của các bệnh viện trong ứng dụng công nghệ thông minh sẽ như thế nào? (Ha Bi, 30 tuổi, Hòa Bình)
- Ông Trần Quý Tường:
Bệnh viện thông minh là bệnh viện hoạt động dựa trên các quy trình tự động hóa và tối ưu hóa, được xây dựng trên môi trường công nghệ thông tin liên kết, đặc biệt dựa trên Internet vạn vật (IoT).
Ứng dụng quy trình tự động hóa và tối ưu hóa để cải thiện các quy trình chăm sóc bệnh nhân như đặt lịch hẹn, nâng cao năng suất làm việc của bác sĩ, giảm thời gian đăng ký khám, chữa bệnh,giảm sai sót thông qua việc cảnh báo tương tác thuốc, sự trùng lặp trong các toa thuốc, trợ lý ảo, ...
Mô hình bệnh viện thông minh có ba đặc tính cơ bản sau:
- Mở rộng phạm vi cung cấp các dịch vụ y tế dựa vào CNTT: bảo đảm việc tin học hóa toàn bộ công tác quản lý bệnh viện và các hoạt động chuyên môn nhằm hỗ trợ các dịch vụ y tế (khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe từ xa, quản lý bệnh mạn tính...)
- Tối ưu hóa các dịch vụ y tế: tối ưu hóa và tái sử dụng các nguồn thông tin, khả năng mở rộng linh hoạt, tiến hành kiểm soát an ninh và vận hành hệ thống cùng với việc tiêu thụ năng lượng ít hơn... Đồng thời, hỗ trợ các bệnh viện xây dựng một nền tảng thông tin tích hợp dựa trên EMR để cộng tác và tối ưu hóa các quy trình dịch vụ y tế.
- Các giải pháp mở và hợp tác: nền tảng mở và hội tụ cho phép bệnh viện hợp tác với các nhà cung cấp ứng dụng CNTT y tế khác nhau để tối đa hoá các việc sử dụng các ứng dụng CNTT.
- Thưa Cục trưởng Trần Quý Tường, ông có thể chia sẻ về kế hoạch, chương trình cụ thể của Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) trong thời gian sắp tới? (Lam Thái Hà, 30 tuổi, Hà Nội)
- Ông Trần Quý Tường:
Kế hoạch CNTT 2016-2020 của Bộ Y tế triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về CNTT y tế, trong đó ưu tiên xây dựng các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật và cơ chế tài chính trong ứng dụng CNTT y tế
Hai là triển khai thực hiện ba chương trình y tế điện tử:
- Chương trình 1: xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai thống kê y tế điện tử từng bước hình thành trung tâm dữ liệu y tế quốc gia, thông qua một số nội dung chính gồm: xây dựng kho dữ liệu thống kê y tế để thu thập dữ liệu thống kê theo quy định của Bộ Y tế; triển khai phần mềm Thống kê y tế DHIS2 để thu thập dữ liệu từ các tuyến, tổng hợp phân tích, đưa ra báo cáo; xây dựng hệ thống phân tích dữ liệu (BI: Bussiness Intelligent) để phân tích dữ liệu theo các chỉ tiêu theo quy định của Bộ Y tế và các chỉ tiêu khác đáp ứng yêu cầu riêng, biểu diễn dữ liệu trực quan trên bản đồ số GIS; xây dựng Cổng thông tin thống kê bao gồm các chức năng quản lý truy cập, công bố thông tin, quản lý dữ liệu thống kê, tiếp nhận dữ liệu thống kê từ các hệ thống khác.
- Chương trình 2: xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử và phần mềm quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn.
- Chương trình 3: xây dựng và vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến một cửa Bộ Y tế, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần minh bạch hóa hoạt động của cơ quan nhà nước.
Công nghệ thông tin y tế Việt Nam hiện nay đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức khi tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên trong ngành phải có quyết tâm cao, nỗ lực vươn lên, có sáng tạo và có giải pháp đột phá, thực hiện một tầm nhìn Y tế điện tử quốc gia hiện đại, cập nhật, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Y tế, góp phần vào thành công của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Nguồn tin: Bộ Y tế
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn